Sai lầm khi nghĩ 'doanh nghiệp Việt không làm nổi con ốc vít'

-Nhiều doanh nghiệp Việt đã tạo dựng những sản phẩm chứa đựng các công nghệ hàng đầu, đáp ứng các điều kiện khắt khe nhất của thế giới.

 

Những thành công này đã phá vỡ suy nghĩ lối mòn "doanh nghiệp Việt không làm nổi con ốc vít", mà còn khẳng định năng lực sản xuất những sản phẩm công nghệ cao.

Vươn mình làm chủ AI

Tiến sĩ Bùi Thanh Luân, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát, cho rằng nhận định doanh nghiệp Việt không làm được ốc vít là không chính xác. Thực tế nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất ốc vít, thậm chí là các sản phẩm cơ khí phức tạp hơn nhiều.

"Nguyên nhân của câu nói trên nằm ở quy mô sản xuất, công nghệ, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các đối thủ quốc tế. Chẳng hạn, các doanh nghiệp ngoại thường đặt ra quá nhiều điều kiện khắt khe cho việc sản xuất ốc vít, trong khi yêu cầu giá thành lại rẻ. Đây là điều kiện không tưởng kể cả cho các hãng nước ngoài, nên doanh nghiệp Việt từ chối không làm", ông Luân giải thích thêm.

Tiến sĩ Luân khẳng định, cách đây hơn chục năm, chính công ty ông từng sản xuất những loại ốc vít để bắt trong cột sống, nẹp xương gãy. Sản phẩm này được công ty xuất khẩu đi khắp thế giới. "Từ đây mới có chuyện vui: Cậu học trò của tôi gãy tay, khi mở đinh vít đã nẹp xương gãy thì cậu ta mới phát hiện đây là cái đinh mà công ty mình sản xuất, khiến cho các bác sĩ cũng ngạc nhiên", ông Luân kể.

Giờ đây câu chuyện ốc vít đã lùi vào dĩ vãng, nhường lại cho sự chuyển mình ngày càng mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam. Bằng chứng là vào đầu tháng 12 vừa qua, Giám đốc điều hành tập đoàn chíp khổng lồ NVIDIA là ông Jensen Huang, tuyên bố mua VinBrain. Đây là công ty Việt đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

hinh 52 1.jpg
Doanh nghiệp Việt đã có bước tiến xa khi sản xuất những robot tự hành. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Đáng chú ý, để triển khai ứng dụng một cách chính xác nhằm hỗ trợ cho bác sĩ điều trị bệnh nhân, các kỹ sư người Việt đã xây dựng một kho dữ liệu khổng lồ lên tới 4,26 triệu hình ảnh y tế đa dạng từ khắp nơi trên thế giới để huấn luyện các mô hình AI. Ứng dụng AI của VinBrain đã hỗ trợ đắc lực cho các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng, với khả năng xử lý nhiều loại hình ảnh y tế, bao gồm ảnh X-quang, ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT), ảnh cộng hưởng từ (MRI)...

Các mô hình AI tự động khoanh vùng và phát hiện đến 95 loại tổn thương, bất thường trong thời gian dưới 30 giây/ca với độ nhạy và độ chính xác hơn 90%. Và hiện ứng dụng này đang được triển khai tại hơn 182 bệnh viện trên khắp Việt Nam, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc.

Theo ông Jensen Huang, Nvidia rất may mắn có được sự hợp tác với Vingroup và VinBrain - một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Vingroup. CEO Nvidia cũng cho rằng, để tận dụng làn sóng AI, các quốc gia cần ba yếu tố và Việt Nam đã có đủ. Yếu tố đầu tiên là tài sản dữ liệu về ngôn ngữ, văn hóa sau hàng thập kỷ số hóa và người dân đã sẵn sàng sử dụng các nền tảng di động. Thứ hai là đội ngũ nhân sự và thứ ba là hạ tầng.

"Trí tuệ nhân tạo là phần mềm, mà phần mềm do con người tạo nên. Để có lực lượng chuyên gia hùng hậu về phần mềm như Việt Nam là điều không dễ dàng", ông Jensen Huang đánh giá.

Tiến sĩ Luân thì đánh giá, việc một tập đoàn công nghệ hàng đầu và là một công ty có giá trị lớn nhất thế giới như Nvidia mua VinBrain đã cho thấy người Việt hoàn toàn có khả năng tạo ra những sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực.

"Sự kiện này không chỉ cung cấp nguồn lực mới cho công ty mà còn chứng minh tiềm năng nhân lực AI của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời đẩy lùi những lời chê về việc doanh nghiệp Việt không thể làm được con ốc vít”, tiến sĩ Luân đánh giá.

AI tác động lớn đến thị trường lao động

Báo cáo thị trường tuyển dụng thường niên 2024 - 2025 của TopCV công bố mới đây nêu rõ: Tại Việt Nam, có khoảng 61,2% doanh nghiệp đã và đang ứng dụng AI trong vận hành doanh nghiệp ở các mức độ khác nhau. Tuy vậy vẫn còn 38,7% doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng ứng dụng AI, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó phần lớn là do nhận thấy tác động của AI đến hiệu quả kinh doanh chưa đủ rõ rệt.

Khảo sát cũng chỉ ra, hiện vẫn còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp Việt chưa có động lực mạnh mẽ để tích hợp AI trong vận hành. Đó là chi phí triển khai và duy trì cao, thiếu hụt nguồn lực và chuyên gia kỹ thuật, khó khăn trong việc tích hợp AI với hệ thống hiện tại...

Báo cáo của TopCV cũng đánh giá, bức tranh thị trường lao động dự báo sẽ chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể dưới sự tác động ngày càng lớn của công nghệ, đặc biệt là AI. Không chỉ ảnh hưởng đến cách thức vận hành doanh nghiệp, quy trình thu hút, giữ chân nhân tài mà AI còn định hình viễn cảnh mới nơi người lao động cần chủ động xây dựng kế hoạch phát triển bản thân, nâng cao kỹ năng.

Vì vậy người lao động không chỉ cần thích nghi mà còn phải chủ động nâng cấp năng lực nhằm thích nghi với các yêu cầu mới, đặc biệt là các kỹ năng sử dụng, ứng dụng AI.

Sức bật mới

Gần đây nhất, đại gia công nghệ Việt Nam là FPT đã quyết định đổ nguồn lực đầu tư rất lớn để xây dựng nhà máy AI (AI Factory) với tổng giá trị là 200 triệu USD. Nhóm sản phẩm của nhà máy bám sát những thứ mà các ông lớn công nghệ thế giới đang thực thi như AI tạo sinh, xe tự hành...

Gã khổng lồ công nghệ Việt cũng rất biết chọn đối tác hợp tác là Nvidia cho cuộc chơi này. Điều này khá hợp lý vì cả thế giới phải xếp hàng mua sản phẩm của Nvidia.

Mặc dù nhà sáng lập FPT là ông Trương Gia Bình, tóm gọn đầu tư vào AI giống như “sự đặt cược”, nhưng đây không phải là quyết định theo “trend”, mà là chiến lược đầu tư AI đã được FPT theo đuổi cả chục năm nay. Vào tháng 11 vừa qua, FPT cũng đã đổ 200 triệu USD để xây dựng AI Factory tại Nhật Bản nhằm cung cấp dịch vụ AI cho các doanh nghiệp Nhật.

doanh-nghiep-viet.jpg
AI hay các giải pháp về robot sẽ là xu thế mới mà doanh nghiệp Việt cần nắm bắt. Ảnh minh họa bằng AI

Sự đặt cược của FPT bằng một hành trình ngược. Thay vì nghiên cứu thị trường, tìm kiếm khách hàng, tính toán từng chi tiết thì với AI, FPT chủ động xây dựng nền tảng, sẵn sàng đón đầu cơ hội. Quyết định táo bạo này đã thể hiện rõ niềm tin vững chắc của FPT vào tương lai của công nghệ AI.

Trước đó, FPT đã lên kế hoạch cho mục tiêu đạt doanh thu 5 tỷ USD và gia nhập vào những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của thế giới nhờ vào chiến lược AI. Tham vọng của FPT rất lớn, nhằm tạo ra sức bật mạnh mẽ trong tương lai.

Câu chuyện không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn tạo cú hích cho nhiều ngành nghề, đặc biệt FPT đã đưa các chương trình tiên tiến nhất của Nvidia vào giảng dạy cho các sinh viên với mục tiêu đáp ứng nhu cầu xã hội và tạo ra một lực lượng nhân lực công nghệ cao.

Theo giới phân tích, các doanh nghiệp Việt tham gia vào ngành công nghệ cao đang đem lại lợi thế cạnh tranh rất lớn không chỉ cho chính họ mà cho cả đất nước. Ngành công nghệ cao đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP, tạo ra việc làm và tăng thu nhập cho quốc gia. Việc phát triển công nghệ cao khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Khi các doanh nghiệp trong nước ngày càng mạnh mẽ, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng được nâng cao.

Cần cải thiện khung pháp lý về AI tại Việt Nam

Theo tiến sĩ Chu Thanh Tuấn, Đại học RMIT Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao và ngân sách đầu tư cho nghiên cứu và phát triển AI tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. So với các quốc gia trong khu vực như Singapore và Hàn Quốc, thậm chí Indonesia hay Malaysia, thì Việt Nam đang chậm hơn trong việc đào tạo chuyên sâu và ứng dụng AI vào các lĩnh vực sản xuất.

Mặt khác, sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài từ chip bán dẫn đến phần mềm AI, đặt ra rủi ro cho Việt Nam nếu các chính sách giá hoặc điều kiện hợp tác từ các công ty nước ngoài thay đổi. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động và phát triển.

“Khung pháp lý về AI tại Việt Nam còn nhiều điểm bất cập, gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư quốc tế và quản lý các rủi ro công nghệ. Ví dụ, các doanh nghiệp phát triển xe tự hành phải đối mặt với rào cản từ việc thiếu các quy định cụ thể về an toàn và thử nghiệm công nghệ”, tiến sĩ Tuấn nói.

PHƯƠNG MINH/Theo PLO